Hiện nay, trên địa bàn huyện có 07 điểm giao dịch tại các xã, thị trấn. Các điểm giao dịch đều được trang bị đầy đủ biển hiệu, bản chỉ dẫn, nội quy giao dịch; hòm thư góp ý, niêm yết, cập nhật kịp thời thông báo chính sách tín dụng, thông báo lãi suất cho vay… Hàng tháng, Phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện tổ chức 07 buổi giao dịch tại các xã, thị trấn nhằm tuyên truyền và công khai các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bên cạnh đó, thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm, thực hiện quy trình xử lý nợ, tổ chức họp giao ban với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác. Các điểm giao dịch đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi thuận lợi, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực thi tín dụng chính sách.
Ảnh: Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giao dịch tại xã Thiện Hưng.
Chị Nịnh Thị Xuân Trang, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn 2, xã Thiện Hưng cho biết: “là tổ trưởng tổ vay vốn, để quản lý tốt nguồn vốn vay, tôi thường xuyên tuyên truyền về chính sách ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích nguồn vốn vay. Nhờ có địa điểm giao dịch tại xã, cho nên cũng thuận tiện cho cá hộ vay, giúp tiết kiệm về thời gian, chi phí đi lại, việc thu lãi, thu nợ cũng được thực hiện tại điểm giao dịch xã nên thuận tiện hơn rất nhiều cho các hội viên.
Chị Đào Thị Hồng Phước, chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ xã Thiện Hưng người luôn có mặt để hỗ trợ cho các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn trong các phiên giao dịch với Ngân hàng, chia sẻ: “Phiên giao dịch tại điểm giao dịch của xã luôn cố định vào sáng ngày 16 hàng tháng nên rất thuận lợi cho hội viên và người dân đến trả nợ, trả lãi, gửi tiết kiệm dân cư. Các thành viên trong tổ giao dịch luôn hòa nhã, ân cần với mọi người, luôn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, sổ sách, hướng dẫn người dân tận tình nên mỗi phiên giao dịch đều diễn ra an toàn và hiệu quả.”
Để các hoạt động giao dịch đạt kết quả cao, các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên cập nhật đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách mới để phổ biến lại cho các hộ có nhu cầu vay vốn hoặc đã vay vốn. Nhờ tổ chức tốt các phiên giao dịch lưu động, thời gian qua, công tác tín dụng đã phát huy được hiệu quả, chất lượng tín dụng được nâng lên, tăng khả năng thu nợ, giảm nợ quá hạn; chất lượng hoạt động ủy thác, hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn được nâng cao. Đến 31/01/2023, Tổng dư nợ các chương trình của Ngân hàng chính sách xã hội huyện đạt trên 340 tỷ đồng, với trên 7.600 hộ vay. Nguồn vốn vay đã giúp 3.371 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo có nguồn vốn để phát triển kinh tế; tạo việc làm mới cho 444 lao động; góp phần xây dựng 4.400 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 463 hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện cho con tiếp tục học tại các trường Đại học, Cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; 06 khách hàng được hỗ trợ mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến; 8 hộ vay để xây dựng nhà ở xã hội theo nghị định 100/2015/NĐ-CP của chính phủ; 54 hộ Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh - chính trị, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Ngọc Điệp - Giám đốc ngân hàng chính sách xã hội huyện cho biết: “Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện, chúng tôi tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ thị số 40- CT/TW, kết luận số 06 – KL/TW của Ban Bí thư Trung ương, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp trong chỉ đạo tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội, nhất là vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND xã, thị trấn. Tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát của NHCSXH, của tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác và ban đại diện HĐQT các cấp, đảm bảo chất lượng, tránh hình thức. Thường xuyên đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ NHCSXH và các cán bộ tham gia quản lý, triển khai tín dụng chính sách xã hội. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của hộ vay ngay từ khâu bình xét cho vay.”
Những mục tiêu hoạt động trong tín dụng chính sách sẽ được Phòng giao dịch NHCSXH huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả, triển khai thành công chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn toàn huyện trong thời gian tới.