Hiệu quả tín dụng ưu đãi hộ nghèo và đối tượng chính sách ở xã Tân Tiến huyện Bù Đốp
Thứ sáu - 05/08/2022 09:569240
Trải qua 20 năm phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Đốp với nhiệm vụ thực hiện tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; hàng ngàn hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ nguồn vốn tín dụng chính sách.
Chủ tịch HPN huyện Đỗ Thị Như dự họp cùng hộ vay tại ấp Tân An, Tân Tiến Sự đồng hành của địa phương và những “cánh tay nối dài” Đến nay, trên địa bàn xã tân Tiến đã có 29 tổ tiết kiệm và vay vốn tín dụng chính sách; đây là “cánh tay nối dài”, cầu nối quan trọng giữa NHCSXH với người vay vốn, góp phần giúp các nguồn vốn vay đến đúng đối tượng kịp thời, thuận lợi, công khai và dân chủ. Ông Nguyễn Đình Đoàn - Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, đồng thời cũng là thành viên Ban Đại diện HĐQT NHCSXH huyện cho biết: Tổng dư nợ 14 chương trình tín dụng đã đạt 44 tỷ 132 triệu đồng, với 1.061 hộ vay. Để có được kết quả đó, theo ông Đoàn, có vai trò rất quan trọng của chính quyền địa phương. UBND xã đã phối hợp tốt với NHCSXH, gắn tín dụng chính sách với chương trình, chính sách xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn; xác định chính xác các hộ nghèo và đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách; chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng trên địa bàn để từ đó cùng tìm ra phương cách giải quyết hiệu quả, nhất là đối với công tác thu hồi, xử lý nợ quá hạn. “Chúng tôi cũng chỉ đạo ban giảm nghèo, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, thường xuyên nắm bắt, tổng hợp nhu cầu vốn tín dụng hàng năm để xây dựng kế hoạch tín dụng gửi lên NHCSXH huyện. Căn cứ nguồn vốn được giao, thực hiện phân bổ vốn đến từng thôn quản lý chặt chẽ nguồn vốn và triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách. Đồng thời theo dõi, giúp đỡ người vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc trả gốc, trả lãi đầy đủ, đúng hạn”, ông Nguyễn Đình Đoàn cho hay. Đặc biệt, để giúp hộ dân sử dụng hiệu quả vốn vay, UBND xã tân Tiến đã phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho các hộ vay vốn. Từ đó, tạo sự lan tỏa, cuốn hút các hộ vay chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều hộ đạt mức thu nhập cao đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.
Cán bộ NHCSXH huyện kiểm tra sử dụng vốn của hộ vay
Được thành lập năm 2003, trải qua 20 năm phát triển, NHCSXH huyện Bù Đốp đã đạt được rất nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, đã xây dựng được 7 điểm giao dịch cố định tại 7 xã, thị trấn; từ đó, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại, đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”. Theo anh Nguyễn Đình Phương Phó giám đốc NHCSXH huyện, đến ngày 30/7/2022, tổng dư nợ ủy thác đạt 305 tỷ 251 triệu đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ toàn huyện. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, nhiều tổ chức hội đã phát huy rất tốt thế mạnh trong tập hợp lực lượng, hướng dẫn bình xét cho vay, quản lý, đôn đốc, kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay, tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành đúng quy định trả nợ, trả lãi, gửi tiền tiết kiệm, như Hội Nông dân các xã Thanh Hoà, Phước Thiện; Hội Phụ nữ các xã Tân Thành, Hưng Phước và Tân Tiến…
NHCSXH huyện thực hiện gải ngân vốn theo Nghị quyết 11/NQ-CP đến hộ vay
Đặc biệt, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn trên địa bàn, ngay sau khi thành lập, đơn vị đã tích cực huy động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân và từ ngân sách địa phương. Nhờ đó, đã tạo lập được nguồn lực đáng kể đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. Đến ngày 31/7/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH huyện Bù Đốp quản lý đạt 5 tỷ 380 triệu đồng, tăng 5 tỷ 380 triệu đồng tỷ đồng và gấp hơn 100 lần so với ngày đầu thành lập. Thoát nghèo, làm giàu từ tín dụng chính sách Thực hiện hiệu quả cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hoạt động của đơn vị đã góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới; đặc biệt, ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn. Từ 4 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu là cho vay hộ nghèo, HSSV, xuất khẩu lao động và cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm với tổng dư nợ 12 tỷ 65 triệu đồng, sau 20 năm hoạt động, đến nay đã triển khai 15 chương trình tín dụng được Chính phủ giao và một số chương trình từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương; theo dõi và quản lý trên 7.400 hộ vay, chiếm hơn 35% tổng số hộ dân toàn huyện. Tổng doanh số cho vay 20 năm qua đạt 856 tỷ 788 triệu đồng, với 49.812 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; mức đầu tư cho người vay tăng từ 3 triệu đồng/hộ năm 2003 lên 100 triệu đồng/hộ năm 2022. Từ nguồn vốn tín dụngchính sách, đã góp phần giúp gần 6.100 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hàng ngàn lao động được tạo việc làm ổn định, được vay vốn đi xuất khẩu lao động; hàng ngàn hộ gia đình có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, xây dựng các công trình nước sạch và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, làm mới hoặc sửa chữa lại nhà ở. Đặc biệt, hơn 2.700 em học sinh, sinh viên nghèo được vay vốn để học tập; hơn 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn có vốn phát triển sản xuất, hơn 300 căn nhà được xây dựng từ nguồn vốn ưu đãi,.... Có thể khẳng định, tín dụng chính sách xã hội là “bà đỡ” hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách thoát khỏi nghèo đói, hòa nhập cộng đồng và từng bước vươn lên làm giàu. Cùng với cho vay, công tác thu hồi vốn cũng được thực hiện rất tốt, góp phần quan trọng tạo lập nguồn vốn để cho vay quay vòng các chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, đồng thời giảm áp lực đáng kể trong việc cấp vốn từ Trung ương. Huyện cũng đã chỉ đạo các xã thành lập Tổ thu nợ tại những xã có nợ quá hạn cao so với mặt bằng chung để tập trung đôn đốc thu hồi nợ quá hạn tồn đọng. Đến nay, tổng dư nợ quá hạn và nợ khoanh tại NHCSXH huyện là 667 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,22% trên tổng dư nợ tín dụng, giảm mạnh so với thời điểm nhận bàn giao và trên địa bàn hiện có 1 xã không có nợ quá hạn; đặc biệt, nguồn vốn được triển khai đúng đối tượng, người vay sử dụng vốn đúng mục đích, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế huyện nhà.