Năm 2023, từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), đã có hàng nghìn người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh được “tiếp sức”. Nguồn vốn ưu đãi này đã giúp nhiều người dân có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Điệp - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Bù Đốp cho biết, để chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) đến với người dân, đơn vị đã tập trung ưu tiên mọi nguồn lực, phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đẩy mạnh giải ngân các chương trình tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đôn đốc đẩy nhanh giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 181/NQ-CP, ngày 2/11/2023 của Chính phủ.
Trong năm 2023, đơn vị đã triển khai nhiều chương trình vay vốn ưu đãi đến người dân, trong đó có nhiều chương trình có doanh số cho vay lớn, như: Vay nhà ở xã hội; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm... Đến hết tháng 12/2023, tổng dư nơ nợ đạt 391.040 triệu đồng tổng doanh số cho vay các chương trình ủy thác đạt 102.967 triệu đồng với 12.203 lượt khách hàng vay. Các đơn vị có doanh số cho vay lớn, như: Thanh Hòa trên 17 tỷ đồng, Thiện Hưng trên 16 tỷ đồng; Tân Tiến trên 16 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế.
Để nguồn vốn TDCS đến đúng đối tượng hưởng thụ, hỗ trợ tối đa cho người nghèo vay vốn, Phòng giao dịch NHCSXH Bù Đốp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đưa nguồn vốn vay đến với người dân. Theo đó, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách về chương trình tín dụng ưu đãi đến các đối tượng vay vốn, đơn vị còn thiết lập mạng lưới giao dịch tại các xã, thị trấn giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi.
Thực hiện phương thức ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ TK&VV, tổ chức giao dịch trực tiếp tại UBND cấp xã. Các điểm giao dịch của NHCSXH tại các xã, thị trấn là “cầu nối” để người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nhanh nhất, đầy đủ nhất thông tin về chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Cũng nhờ được tiếp cận nguồn vốn TDCS, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Bù Đốp đã mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế. Năm 2019, gia đình chị Nguyễn Thị Nga, ấp 6 xã Thanh Hòa vay 50 triệu đồng từ PGD NHCSXH huyện Bù Đốp để xây dựng chuồng trại, phát triển mô hình chăn nuôi. Từ 6 con dê sinh sản ban đầu, đến nay gia đình chị Nga đã mở rộng quy mô chuồng trại chuyên cung cấp con giống cho bà con trong ấp. Mỗi năm, từ mô hình chăn nuôi, gia đình chị Nga thu lãi hơn 50 triệu đồng.
Theo Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Bù Đốp, thời gian tới, NHCSXH tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác và các đơn vị có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp để tập trung nguồn lực cho NHCSXH thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng CSXH; triển khai thực hiện có hiệu quả, chất lượng các chương trình tín dụng CSXH trên địa bàn, bảo đảm vốn TDCS được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích và hoàn trả đầy đủ khi đến hạn; tổ chức giải ngân kịp thời vốn thu hồi và vốn được bổ sung, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch tín dụng được giao hàng năm và tập trung đôn đốc thu hồi dứt điểm nợ đến hạn, nợ quá hạn; duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý TDCS.
Bên cạnh đó, Phòng giao dịch NHCSXH Bù Đốp tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, chất lượng các tổ TK&VV, điểm giao dịch tại xã, thị trấn...nhằm đưa hoạt động NHCSXH tiếp tục có những đóng góp tích cực, hiệu quả hơn vào chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện